Trang chủ / Góc chia sẻ về Nhật Bản / VĂN HÓA NHẬT BẢN / Văn hóa Uchi-Soto trong ứng xử của người Nhật
VĂN HÓA NHẬT BẢN

Văn hóa Uchi-Soto trong ứng xử của người Nhật

Thứ Năm, 04 Tháng Năm 2023
0/5 - (0 bình chọn)

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao ở tiếng Nhật lại có khiêm nhường ngữ và tôn kính ngữ không? Câu trả lời là nét văn hóa Uchi-Soto trong ứng xử của người Nhật, một nét văn hóa đặc trưng ăn sâu vào con người họ. Cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei tìm hiểu nhé.

Văn hóa Uchi-soto là gì?

Uchi và Soto, văn hóa Uchi-Soto, văn hóa uchi-soto trong ứng xử của người nhật

Uchi-soto trong tiếng Nhật là sự phân biệt giữa “trong nhóm” (uchi, 内) và “ngoài nhóm” (soto, 外). Sự phân biệt giữa các nhóm này là một phần căn bản trong tập quán xã hội Nhật Bản, thậm chí phản ánh trực tiếp trong ngôn ngữ tiếng Nhật, mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của xã hội Nhật Bản trong mọi lĩnh vực: Quan hệ xã hội, giao tiếp, kiến trúc,…

Điều cơ bản của văn hóa này xoay quanh việc phân chia mọi người vào “trong nhóm” hay “ngoài nhóm”. Khi nói chuyện với ai đó ở ngoài nhóm, người ngoài nhóm được tôn kính, còn người trong nhóm thì khiêm nhường. Điều này phản ánh trong tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, cũng như những động từ liên quan đến nhận và cho trong tiếng Nhật.

Một trong những điểm phức tạp trong quan hệ Uchi-soto nằm ở việc các nhóm không cố định, có thể chồng chéo lên nhau hoặc thay đổi theo thời điểm, theo tình huống. Các nhóm soto-uchi có thể biểu diễn bằng các vòng tròn giao nhau. Vị trí của một người trong nhóm và quan hệ với những người khác phụ thuộc vào vai vế, tình huống và thời điểm.

Văn hóa Uchi-soto trong từng môi trường sống ra sao?

Văn hóa Uchi-soto trong gia đình và xã hội

“Uchi” và “Soto” xuất phát từ các gia đình Nhật Bản khoảng 400 năm trước. Gia đình và bạn thân của bạn chính là “Uchi”, còn những cá nhân khác thuộc “Soto”. Khách ít được mời đến nhà chơi bởi “nhà” trong tâm thức người Nhật mang ý nghĩa thiêng liêng và là nơi để các thành viên “Uchi” tụ họp nên tránh để người ngoài, tức “Soto” thâm nhập

Trong gia đình Nhật Bản, người có vai vế lớn nhất, thường là ông bà, sẽ là người đi tắm đầu tiên, sau đó là những người còn lại trong gia đình xếp theo vai vế. Nhưng khi có khách thăm nhà, vị khách sẽ được mời tắm trước tên. Nếu khách ở lại qua đêm sẽ được chuẩn bị, sắp xếp chỗ ngủ tiện nghi nhất, mặc dù điều này sẽ gây bất tiện lớn cho những người còn lại trong gia đình. Điều này là một vấn đề khó cho những người phương Đông ở Nhật Bản, khi họ là những người được dạy rằng cần phải lịch sự từ chối những tiếp đãi ân cần dành cho mình nhưng gây bất tiện cho người khác.

Với một ngôi nhà kiểu Nhật, các cửa thường là cửa trượt, rất dễ mở và giúp các phòng thông nhau. Thiết kế này cũng thể hiện sự thân thiết và riêng tư của chỉ những người trong nhà với nhau. Bên cạnh đó, “Genkan”, tức chỗ để người ta tháo bỏ giày dép trước khi vào nhà, được xem là “Soto”. Nhiều gia đình vẫn còn giữ quan niệm rằng áo khoác, mũ, giày dép đều phải được lập tức cởi bỏ tại “genkan” trước khi được bước vào nhà bởi những vật đó đã nhuốm cái “Soto” khi di chuyển và làm việc.

Uchi và Soto, văn hóa Uchi-Soto, văn hóa uchi-soto trong ứng xử của người nhật

Nhìn theo góc độ vệ sinh, đây lại là một cách làm hoàn toàn hợp lí bởi không mang bụi bẩn khi đi đường vào bên trong nhà. Hơn thế nữa, genkan cũng chính là nơi người ta trao quà cho chủ nhà (nhất là hoa hay đồ ăn tươi sống với hàm ý: “tôi sẽ trao quà ở đây để tránh làm bẩn nhà anh”).

Văn hóa Uchi-soto trong công việc

Uchi-Soto thể hiện rõ nhất chính là qua hệ thống kính ngữ trong môi trường làm việc kiểu Nhật. Dễ thấy nhất chính là khách hàng luôn được xem là Soto và cần nhận được sự tôn trọng từ nhân viên bán hàng, được xưng hô bằng tôn kính ngữ. Thái độ chuyên nghiệp của nhân viên chính là một trong những điểm nổi bật giúp xứ sở anh đào được mệnh danh là đất nước có dịch vụ hàng đầu thế giới.

Giữa mối quan hệ với một công ty khác thì người ngoài công ty và khách hàng được xem là “Soto”. Khi nói chuyện với họ mà nhắc về người trong công ty mình, dù là cấp trên, có không dùng kính ngữ cũng không sao. Ví dụ, trong công ty bạn sẽ gọi “Haruki-san” nhưng trong cuộc hội thoại với đối tác bạn sẽ bỏ chữ “san” nhằm nâng địa vị của đối phương và tỏ sự khiêm nhường về công ty mình.

Trong cùng công ty hoặc môi trường làm việc thì bạn và đồng nghiệp cùng cấp được xem là “Uchi”, có thể nói chuyện bình thường, nhưng cấp trên lại được xem là “Soto” và trong giao tiếp cần sử dụng đúng tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ để phân định rõ vị trí. 

Một ví dụ khác, khi nói chuyện với cấp dưới, người quản lí có thể lược bỏ đuôi –san sau tên, anh không thể làm như vậy đối với cấp trên của mình. Mặt khác, khi nói chuyện với người ngoài, với bất kì người nào không có quan hệ với công ty mình, anh ấy có thể bỏ mọi hậu tố trong tên để nói về người đó, bao gồm cả cấp trên.

Tuy nhiên, khi người quản lí nói với một cấp dưới về gia đình của người cấp dưới đó. Anh đề cập tới gia đình của người cấp dưới, có nghĩa là “trong nhóm” của người cấp dưới, nhưng không bao gồm người quản lí, trong trường hợp này người quản lí dùng kính ngữ với cấp dưới. Còn khi người quản lí đề cập đến gia đình của bản thân, là người “trong nhóm” so với bản thân, thì có thể dùng ngôn ngữ thông thường.

Khi này, người quản lí và cả người cấp dưới sẽ giống nhau, gọi gia đình của bản thân là kazoku và gia đình của người còn lại là go-kazoku (thêm tiền tố kính ngữ go).

Thêm một ví dụ nữa về ngôn ngữ, với động từ “ăn” có thể có các dạng sau:

  • taberu (ăn, ngôn ngữ dùng thông thường)

  • itadaku (ngôn ngữ khiêm nhường, nghĩa đen là “nhận”, được sử dụng nói về bản thân hay người trong nhóm)

  • meshiagaru (ngôn ngữ tôn kính, dùng để nói về người ngoài nhóm).

Tham khảo:

>>> Văn hóa Honne -Tatemae trong ứng xử của người Nhật.

>>> Văn hóa “Sạch sẽ” của người Nhật.

>>> Văn hóa cộng đồng của người Nhật.

>>> Ý nghĩa và nguồn gốc của văn hóa cúi chào của người Nhật

Văn hóa Uchi-soto ảnh hường đến người Nhật ra sao?

Uchi và Soto, văn hóa Uchi-Soto, văn hóa uchi-soto trong ứng xử của người nhật

Như chúng ta đều biết người của quốc gia nào thì cũng đều có lòng tự tôn dân tộc, nhưng lòng tự tôn dân tộc hay đúng hơn là thái độ e ngại với người ngoại quốc của người Nhật một phần xuất phát từ cảm giác Uchi và Soto. Người ngoại quốc đến Nhật Bản đều phải thừa nhận rằng người Nhật rất hiếu khách, rất thân thiện, nhưng sự thân thiện đó không có nghĩa họ muốn làm bạn, muốn thân thiết hơn, hay muốn tìm hiểu sâu hơn về bạn. Bởi là người ngoại quốc, bạn được xếp vào nhóm Soto và cần được đối xử tôn trọng.

Người Nhật cũng có hai khái niệm Honne - cảm xúc thật, và Tatemae - bộ mặt bạn cho người khác thấy. Trong giao tiếp và ứng xử, sự nhã nhặn và lịch sự của người Nhật với người chưa thân, nhiều khi chỉ là Tatemae, họ ít thể hiện cảm xúc thật, thường lịch thiệp và có phần nhún nhường, nhưng chính vì thế đôi lúc lời người Nhật nói chỉ mang tính chất lịch sự. Nếu người Nhật nghe bạn nói được một câu tiếng Nhật, họ thường sẽ khen bạn giỏi quá, sau một buổi đi chơi, có thể bạn sẽ được mời sớm đến nhà họ chơi nhé. Tuy nhiên bạn cần căn cứ vào độ thân thiết của mối quan hệ và hoàn cảnh để phán đoán xem họ đang thật lòng hay chỉ là Tatemae mà thôi.

Mỗi quốc gia không thể phủ nhận đều có ít nhiều “Tatemae”, nhưng với người Nhật nói chung, tầm quan trọng của khái niệm này lớn hơn hẳn. Với một số người chưa quen với văn hóa này sẽ cảm thấy “Tatemae” gây cảm giác khó chịu, thậm chí thiếu chân thành, giả tạo. Và không thể phủ nhận đây là một phần văn hóa đặc trưng của xứ sở này, chung quy lại đều là muốn thể hiện sự lịch thiệp và đề cao người đối diện.

Trên đây là một số thông tin về văn hóa Uchi-soto trong ứng xử của người NhậtTrung tâm tiếng Nhật Kosei cung cấp. Hi vọng bài viết đã mang lại nhiều điều bổ ích đến cho các bạn đọc và giúp các bạn biết được thêm về văn hóa của đất nước xứ sở hoa anh đào.

Tham khảo thêm một số bài viết khác dưới đây!

>>> 6 Tính cách đặc trưng làm nên con người Nhật Bản

>>> Những câu nói thông dụng trong tiếng nhật

>>> Ngữ pháp tiếng Nhật N4: Các mẫu câu về sự đối lập, trái chiều

Để lại Đánh giá
Đánh giá*
Họ tên *
Email *
Bài viết mới
Chọn bài viết hiển thị