Trang chủ / Góc chia sẻ về Nhật Bản / Kinh nghiệm du học / Xin việc làm thêm ở Nhật như thế nào?
Kinh nghiệm du học

Xin Việc Làm Thêm Ở Nhật Như Thế Nào?

Thứ Tư, 03 Tháng Năm 2023
0/5 - (0 bình chọn)

Làm thêm là cách giúp bạn có cuộc sống du học ổn định hơn mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào chi phí của bố mẹ gửi từ Việt Nam sang Nhật hàng tháng. Nhưng xin việc ở Nhật có khó không? Cách xin việc như thế nào? Hãy cùng Trung tâm du học Nhật Bản Kosei tìm hiểu về xin việc làm thêm ở Nhật Bản nhé!

XIN VIỆC LÀM THÊM Ở NHẬT NHƯ THẾ NÀO?

Xin việc làm thêm ở Nhật như thế nào?

XIN VIỆC LÀM THÊM Ở NHẬT CÓ KHÓ KHÔNG?

Rất nhiều thứ, như có ai giới thiệu bạn không, tiếng Nhật của bạn có tốt không, bạn có bao nhiêu kinh nghiệm làm việc,…. Nó cũng tùy thuộc vào vùng bạn sống có nhiều việc làm thêm hay không. Nếu bạn sống ở miền quê thì sẽ không nhiều công việc làm thêm lắm, còn nếu bạn sống ở các thành phố lớn như Tokyo, Chiba, … thì sẽ có nhiều việc làm thêm hơn. Ngoài ra, khả năng xin được việc làm thêm (arubaito) cũng tùy thuộc vào việc công việc bạn xin đòi hỏi trình độ tiếng Nhật tới mức nào. Công việc càng ít đòi hỏi trình độ tiếng Nhật thì du học sinh càng dễ xin.

XIN VIỆC LÀM THÊM TẠI NHẬT CÓ KIẾM ĐƯỢC HÀNG CHỤC TRIỆU ĐỒNG MỘT THÁNG GỬI VỀ NHÀ KHÔNG?

Bạn phải hết sức cẩn thận với những thông tin kiểu này. Rất nhiều trung tâm du học hay tung ra các trung tâm kiểu này để câu khách, và cũng rất nhiều người ở Việt Nam tuyên truyền những tin tức như vậy đi (ví dụ đi làm thêm 2 năm ở Nhật có thể kiếm 1 tỷ đồng) do họ KHÔNG NẮM RÕ THÔNG TIN tại Nhật Bản. Vậy thực tế thu nhập là thế nào?

Trung bình 1 giờ bạn làm được khoảng 800 yên – 1000 yên. Nếu bạn làm trong khuôn khổ cho phép là 28 giờ/ tuần (tức 4 giờ/ngày) thì bạn sẽ được ~ 28 x 4 x 1000 = 116.000 yên (cỡ 1400 USD)/tháng. Vào kỳ nghỉ, bạn có thể làm việc với số giờ gấp đôi nên thu nhập tối đa có thể tới ~ 220.000 yên (2800 USD)/tháng. Đây là nếu bạn làm tại thành phố lớn như Tokyo, nơi chi phí sinh hoạt tối thiểu có thể là 50.000 ~ 60.000 yên/tháng (bao gồm tiền nhà 30.000 ~ 40.000 yên, điện nước ga, điện thoại, internet, đi lại,…).

BẠN CÓ THỂ PHÁ LUẬT ĐỂ ĐI LÀM THÊM NHIỀU HƠN KHÔNG? 

Câu trả lời là có, nhưng rủi ro cũng có. Đó là nếu bạn bị phát hiện bạn có thể mất giấy phép hoạt động ngoại khóa, là giấy phép bạn phải xin để được đi làm thêm. Ngoài ra, một người đi làm kiếm trên 80.000 yên/tháng thì theo phải đóng thuế thu nhập. Tất nhiên, nếu đi làm chui thì bạn cũng trốn khoản này luôn.

Đó mới chỉ là mức tiềm năng….

Mức thu nhập ở trên mới chỉ là mức tiềm năng, chứ không phải là chắc chắn bạn sẽ kiếm được những công việc như vậy. Có thể bạn sẽ phải làm vài ba công việc mới kiếm được như vậy vì các việc làm thêm (arubaito) thường chỉ cần bạn một vài buổi trong tuần. Kiếm việc làm thêm bên Nhật không phải là việc dễ dàng, nhất là với các bạn mới sang tiếng Nhật chưa giỏi hay không có nhiều kinh nghiệm làm việc, hay không có ai giới thiệu công việc cho. Bạn hoàn toàn có thể mất 6 tháng, gọi điện cả vài chục chỗ mà không kiếm được việc làm thêm nếu không có kinh nghiệm tìm việc.

Việc làm thêm ở mức tối đa đòi hỏi bạn phải có thể lực rất tốt, sắp xếp thời gian tốt, hi sinh việc học hành và các thú vui khác, có kinh nghiệm làm việc tốt và được đánh giá cao,… Nghĩa là bạn phải sang Nhật khá lâu mới có thể kiếm được mức thu nhập cao từ vài ba việc làm thêm. Ngoài ra, trong nhiều thời gian bạn có thể bị đói việc và phải thường xuyên tìm các công việc mới bổ sung.

VẬY THU NHẬP THỰC TẾ LÀ BAO NHIÊU? 

Như đã nói ở trên, không phải lúc nào bạn cũng có đủ công việc để có thu nhập lớn mà thường bị đói việc và phải tìm các công việc bổ sung. Việc gián đoạn công việc của bạn có thể do cả việc học hành, thi cử của bạn nữa. Nhìn chung, du học sinh kiếm thu nhập làm thêm đủ để trang trải sinh hoạt và để dư ra một số tiền hàng tháng. Số tiền này bạn sẽ dùng vào việc chuyển nhà (rất tốn kém ở Nhật), đăng ký thi đại học (30.000 yên/trường), đi lại thi cử, nhập học đại học,…. Bạn cũng có thể gửi về nhà nhưng có lẽ sau khi bạn đã vào đại học rồi và có một thu nhập làm thêm ổn định.

Xin việc làm thêm ở Nhật như thế nào?

RỦI RO CỦA VIỆC LÀM THÊM QUÁ NHIỀU 

Rủi ro nhãn tiền của làm thêm quá nhiều là sao nhãng việc học tập, tiếp theo có thể là sa sút về sức khỏe. Nếu bạn làm thêm theo đúng quy định của chính phủ Nhật (20 giờ/tuần) thì chắc chắn bạn ít gặp phải vấn đề trên. Tất nhiên vì vấn đề tài chính thì cũng có nhiều bạn vượt trần quy định. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp RẮC RỐI LỚN nếu bạn không hoàn thành nghĩa vụ học tập của mình và không lấy được tư cách lưu trú để ở lại.

Ví dụ: Sau 2 năm học tiếng Nhật bạn không đỗ vào trường đại học, cao đẳng hay dạy nghề nào. Như vậy thì bạn sẽ không có tư cách lưu trú (du học) để xin thị thực (visa) ở lại Nhật. Để tiếp tục ở lại Nhật, bạn phải xin vào một trường đại học nào đó để dự thính, và bạn sẽ mất vài chục vạn yên cho việc này. Việc dự thính sẽ chỉ được kéo dài 6 tháng, nếu sau đó bạn vẫn không đỗ vào trường nào thì bạn sẽ buộc phải về nước.

Cũng tương tự như vậy, nếu bạn đang học đại học mà bạn bị đúp (留年 ryuunen) thì bạn sẽ phải ở lại 1 năm (hoặc nửa năm tùy trường) và bạn sẽ phải tốn tiền học phí trong thời gian đó.

Vậy làm thêm bao nhiêu là vừa? Việc này chỉ bạn mới trả lời tùy vào tình hình học tập của chính bạn.

CÁC CÁCH XIN VIỆC LÀM THÊM TẠI NHẬT

Cách 1: Có người quen giới thiệu

Ví dụ có người quen đang làm trong một quán ăn và giới thiệu bạn vào đó làm, hoặc người đó không làm ở đó nữa và giới thiệu bạn vào thay. Đây là cách chắc ăn nhất vì chủ quán sẽ yên tâm tin tưởng do có sự giới thiệu. Nếu bạn có mối quan hệ rộng với nhiều người, bạn có thể nhờ bạn bè giới thiệu công việc cho bạn. Đây là cách nhiều du học sinh vẫn làm.

Cách 2: Tìm quanh khu phố bạn sống, tốt nhất là ở các nhà ga lớn gần chỗ bạn sống

Ở các nhà ga tàu điện lớn bao giờ cũng tập trung siêu thị, cửa hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi (kombini),… Khi cần tuyển người làm thêm, các cửa hàng sẽ dán thông báo アルバイト募集 arubaito boshuu (arubaito mộ tập) ở trước cửa. Bạn có thể vào hỏi hay gọi điện thoại hỏi.

Cách 3: Thông qua báo giới thiệu việc làm miễn phí

Các báo này thường gọi là フリーペーパー (free paper, báo miễn phí) phát ở các cửa hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24 giờ (combini),… gần nơi bạn sống. Thường báo phát hành vào thứ 2 hoặc thứ 5, bạn nên lấy báo ngay sau khi phát hành và gọi điện ngay, vì cần có tính cạnh tranh về thời gian. Các cửa hàng, hàng quán thường là cần người ngay. Báo miễn phí sẽ có các chữ như 無料 (muryou, vô liệu = miễn phí), ¥0 (0 yên), FREE (miễn phí)….

Cách 4: Thông qua các trang web giới thiệu việc làm thêm

Ví dụ:

http://www.baitoru.com/

http://townwork.net

Bạn có thể tìm ở khu vực ga tàu điện mà bạn muốn. Các công việc bao giờ cũng được sắp xếp theo khu vực và chủng loại công việc nên có thể dễ dàng tìm kiếm.

Cách 5: Thông qua trường bạn học giới thiệu

Thường là các công việc như lập trình (nếu bạn học đại học về công nghệ thông tin), gia sư,… Thường các trường có kênh giới thiệu việc cho du học sinh, bạn có thể thỉnh thoảng ghé qua đó xem có công việc nào phù hợp không.

TRÌNH TỰ XIN VIỆC Ở NHẬT

Bước 1: Xin giấy phép làm thêm

Đây là “giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” 資格外活動許可書 (shikakugai katsudou kyokasho, tư cách ngoại hoạt động hứa khả thư), ở đây tư cách lưu trú của bạn là du học và giấy phép này cho bạn làm thêm. Thực ra bạn chỉ có tư cách du học nên bạn sẽ không được làm thêm nhưng chính phủ Nhật cho phép bạn làm thêm để bạn có thể trang trải phần nào kinh phí du học của bạn. Giấy phép này cũng là thứ để cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quản lý số giờ làm của bạn để đảm bảo là bạn không làm quá số giờ quy định mà sao nhãng việc học hành.

Nơi xin giấy phép: Cục quản lý xuất nhập cảnh (Tokyo hoặc địa phương)

Giấy tờ cần thiết: Giấy chứng nhận đang đi học của trường bạn học, thành tích học tập kỳ trước, hộ chiếu kèm visa còn hiệu lực, thẻ đăng ký người nước ngoài (外国人登録証明書)

Thời hạn giấy phép có hiệu lực: Thường là 2 năm hoặc là thời hạn visa của bạn (nếu thời hạn này ít hơn 2 năm), sau khi hết hạn mà bạn muốn đi làm thì bạn sẽ phải xin lại.

Bước 2: Tìm và xin việc

Bạn sẽ phải nói chuyện điện thoại, do đó khả năng nghe của bạn phải tốt. Tốt nhất là nắm rõ trước các từ cần biết như 店舗 tempo (cửa hàng), 時間帯 jikantai (thời gian),… Nếu bạn nghe không tốt, bạn nên đi quanh khu vực của bạn và vào hỏi trực tiếp. Bạn nên kiếm việc làm phù hợp với khả năng tiếng Nhật của bạn, ví dụ bạn không nên xin việc làm marketing hay bán điện thoại vì việc này đòi hỏi phải tiếp khách và tiếng Nhật phải tốt.

Bạn cũng phải học cách nói lịch sự tối đa trong tiếng Nhật. Bạn có thể học cách nói này vì các quyển tạp chí giới thiệu việc sẽ hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: ・・・の求人を拝見しましてお電話させていただけます thay vì ・・・の求人を見まして電話します. Nếu bạn nói không lịch sự, xác suất bạn xin được việc hầu như bằng 0 vì bạn sẽ bị đánh giá là người không hiểu các quy tắc thông thường trong xã hội.

Thường bạn gọi điện tới thì sẽ có các trường hợp sau: (1) Họ đã tuyển đủ người, (2) Bạn không phù hợp (tiếng Nhật yếu chẳng hạn), (3) Họ hẹn bạn phỏng vấn vào … giờ, ngày ….

Nếu bạn gọi điện tới và được chấp nhận phỏng vấn, thì bạn phải mang lý lịch tới. Lý lịch thường bán ở các cửa hàng tiện lợi (履歴書 rirekisho, lý lịch thư), bạn viết các thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc vào rồi mang tới vào thời điểm đã hẹn. Bạn không được đến muộn và cũng không nên đến quá sớm vì họ không có thời gian tiếp bạn. Bạn nên đến sớm hơn khoảng 5 phút.

Sau khi phỏng vấn, người tuyển dụng sẽ hẹn bạn trả lời vào thời điểm nào đó. Họ cũng có thể nói là đến thời điểm nào đó mà không gọi lại thì có nghĩa là bạn đã trượt công việc này.

CÁC CÔNG VIỆC DU HỌC SINH VIỆT NAM THƯỜNG LÀM TẠI NHẬT

Combini – Cửa hàng tiện lợi

Bạn cần nắm rõ tiếng Nhật để chào khách và tính tiền. Công việc này đòi hỏi bạn phải đứng tính tiền, bày sản phẩm, lau dọn cho cửa hàng luôn sạch sẽ,… Đây là công việc lương không cao (thường 780 yên/giờ) và khá nhàm chán.

Xin việc làm thêm ở Nhật như thế nào?

Phát báo

Đây là công việc vất vả, lương cao. Bạn có thể kiếm được 12 man ~ 14 man / tháng (120.000 ~ 140.000 yên / tháng). Tuy nhiên, bạn phải đi phát báo vào lúc 1 ~ 2 giờ sáng cho tới 5 ~ 7 giờ sáng vào mọi ngày trong tuần. Du học sinh thường có hội phát báo (hội du học sinh phát báo) riêng và nếu bạn có bạn bè trong đó giới thiệu thì bạn mới có thể vào đó được. Công việc này là cực kỳ vất vả vì bạn phải có mặt ở trường đi học vào lúc 9 giờ sáng và có thể ngủ bù lúc khác.

Siêu thị

Tính tiền ở siêu thị hoặc chế biến ở bên trong (làm thịt, cá,…). Nếu làm chế biến thì không cần trình độ tiếng Nhật cao.

Lập trình

Nếu bạn có khả năng lập trình vào giao tiếp tiến Nhật thì đây là công việc mà bạn có thể kiếm vì Nhật hiện tại rất cần lập trình viên. Những người đi làm lập trình thường lương khá cao, từ 1000 yên ~ 2000 yên / giờ.

Rửa chén

Đây là việc lương thấp, cực,… nhưng lại không cần trình độ tiếng Nhật. Thích hợp cho bạn nào mới sang.

Phục vụ khách sạn

Nếu bạn sống ở vùng du lịch nghỉ dưỡng thì bạn có thể xin công việc làm phòng, phục vụ ăn uống,…

Nấu ăn

Ví dụ cửa hàng cơm hộp (bentou), quán mỳ raamen, quán ăn Nhật, các quán ăn bình dân như Yoshinoya, Matsuya,… Bạn không cần có nhiều kiến thức về nấu ăn nếu làm ở các quán được cung cấp nguyên liệu chế biến sẵn và có công thức nấu như Matsuya, quán cơm hộp Saboten,… Còn ở các quán khác thì thường sẽ có người chỉ cho bạn. Nếu bạn muốn học cách nấu ăn ví dụ như mỳ raamen thì công việc này khá có ý nghĩa.

Cửa hàng ăn nhanh McDonald

Bạn có thể làm công việc đón khách, tính tiền (cần tiếng Nhật đủ tốt) hoặc chế biến bên trong.

Dạy tiếng Việt

Công việc thường không thường xuyên, ví dụ 2 buổi/tuần, 6000 yên/buổi. Bạn sẽ phải kiếm thêm công việc khác cho đủ thu nhập. Ngoài ra, công việc này cũng không có nhiều.

Làm công nhân nhà máy

Ví dụ nhà máy chế biến đồ hộp (bỏ cá vào hộp), nhà máy làm cơm hộp,… Đặc điểm: Thường ở xa trung tâm và công việc đơn điệu. Tuy nhiên lương theo ngày cao.

Hiện ngay, vì cần có tính cạnh tranh về thời gian, các cửa hàng, hàng quán thường là cần người ngay. Báo miễn phí sẽ có các chữ như 無料 (muryou, vô liệu = miễn phí), ¥0 (0 yên), FREE (miễn phí)….

Hy vọng với những thông tin về xin việc làm thêm ở Nhật như thế nào trên, có thể sẽ giúp ích cho các bạn du học sinh trong cuộc sống sinh hoạt tại Nhật Bản. Hãy cùng đón chờ những bài chia sẻ tiếp theo của Kosei nhé!

Cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei tìm hiểu:

>>> Du học Nhật Bản: Nên và Không nên

>>> Những đồ dùng cần thiết nên mang khi du học Nhật Bản 

>>> Những lưu ý khi sống ở Nhật Bản 

 

 

Để lại Đánh giá
Đánh giá*
Họ tên *
Email *
Bài viết mới
Chọn bài viết hiển thị