Trang chủ / Góc chia sẻ về Nhật Bản / VĂN HÓA NHẬT BẢN / Văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản
VĂN HÓA NHẬT BẢN

Văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản

Thứ Năm, 04 Tháng Năm 2023
0/5 - (0 bình chọn)

Văn hóa "Kawaii" không chỉ hiện hữu trong các phong cách thời trang, âm nhạc nữa... mà còn cả trong phong cách ẩm thực vẫn được mệnh danh là cầu kì và vô cùng tinh tế của Nhật Bản. Cùng trung tâm tiếng Nhật Kosei tìm hiểu "Văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản" nào!

Văn hóa Nhật Bản

>>> Tiếng Nhật giao tiếp theo chủ đề: Đặt bàn

>>> Từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề: Tên gọi các đồ uống, đồ ăn nhẹ trong nhà hàng Nhật Bản

 

Văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản

 

 

Văn hóa ẩm thưc "Kawaii" của Nhật Bản  

Ẩm thực Nhật Bản vốn nổi danh với phong cách ẩm thực cầu kì,tinh tế và xinh đẹp. Các món ăn không chỉ ngon miệng mà còn đầy tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh nét đẹp trang nhã truyền thống, ẩm thực Nhật còn tồn tại một xu hướng “đáng yêu hóa” món ăn – biểu hiện tiêu biểu cho làn sóng văn hóa kawaii đang chiếm lĩnh xã hội Nhật hiện đại. Hôm nay, Trung tâm tiếng Nhật Kosei sẽ cùng các bạn tìm hiểu về văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản.

 

Kawaii chỉ đơn giản là dễ thương?

Dù trở thành cụm từ cửa miệng của các thiếu nữ Nhật Bản ngày nay, nhưng thực chất “kawaii” đã xuất hiện trong văn hóa Nhật Bản truyền thống lâu đời dưới dạng một từ cổ – với “ka” (khả) và “waii” (ái) – ghép lại thành khả ái, đáng yêu, đáng mến. Nghĩa gốc của “kawaii” dùng để chỉ những sự vật, sự việc, nhân vật nhỏ nhắn, vóc dáng dễ thương, màu sắc tươi tắn đem lại cảm giác trong sáng và vui nhộn.

Kawaii trong ngôn ngữ truyền thống hay gắn liền với hình ảnh các loài động vật đáng yêu hoặc trẻ em – biểu tượng cho nét đẹp thuần khiết và tự nhiên nhất trong tâm thức người Nhật.

Do xuất phát từ quan niệm truyền thống đặc trưng, nên dù vẫn được hiểu là đáng yêu và sử dụng với tư cách một lời khen hoặc cảm thán cho những sự vật dễ thương, từ “kawaii” vẫn giữ nguyên mà không bao giờ được dịch ra Tiếng Anh cho dù nó đã phổ biến toàn cầu như một hiện tượng văn hóa và xu hướng thẩm mỹ đặc trưng ở Nhật.

Không có gì ngạc nhiên khi “kawaii” vẫn là khái niệm biệt lập với “lovely” hay “cute” trong Tiếng Anh, và ở Nhật, bạn có thể bất ngờ khi thấy các nữ sinh có thể thốt lên “kawaii!” với một cảnh tượng có vẻ chẳng ăn nhập gì với tiêu chuẩn dễ thương của chúng ta – như một cánh đồng hoa tuyệt đẹp chẳng hạn!

Sự bùng nổ của văn hóa kawaii được đánh dấu từ trong thói quen ngôn ngữ thường nhật khi bất kì sự vật dù là xinh xắn, hay chỉ đẹp hoặc ấn tượng, cũng có thể dùng “kawaii” để miêu tả. Mọi phương tiện đời sống đều khoác lên mình dáng vẻ dễ thương từ nhu yếu phẩm, đồ công nghệ, thời trang, mĩ phẩm với những màu sắc tươi tắn vui nhộn như hồng, cam, vàng, các chi tiết nhỏ nhưng đắt giá như ren, đăng ten, chấm bi…

 

Các sản phẩm “ăn theo” nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh được tiêu thụ với tốc độ chóng mặt, giới nghệ sĩ với hình tượng búp bê đầy màu sắc như bước ra từ manga luôn được yêu thích nồng nhiệt, phản ánh sự phổ biến của “kawaii” trong đời sống Nhật hiện đại. Sự tồn tại của yếu tố dễ thương trong ẩm thực Nhật Bản là minh chứng cho thực tế rằng văn hóa kawaii đã bao trùm lên mọi khía cạnh xã hội Nhật Bản.

Nghệ thuật tạo hình thực phẩm phong cách “kawaii”

Ẩm thực Nhật Bản từ lâu đã ghi dấu với những món ăn mang tính thẩm mỹ cao như Sushi, Wagashi,… Và hiện nay ở chính nghệ thuật tạo hình thực phẩm của mình, người Nhật cũng thổi vào đó nét đáng yêu tinh nghịch của văn hóa kawaii.

Không ít các món bánh trái truyền thống Nhật Bản được nặn theo hình dạng các loài vật với phong cách chibi hóa đáng yêu: không sao chép lại y nguyên hình dáng thực tế của sự vật mà có thao tác hình tượng hóa, biến các con vật bình thường trong tự nhiên trở nên cực kì tròn trĩnh và dễ mến. Đơn cử như bánh cá đậu đỏ hay bánh bao thỏ con – dù chúng ta vẫn nhận ra nó mô phỏng loài vật quen thuộc gì – nhưng cũng vẫn bị hình thù tròn tròn xinh xẻo đó hấp dẫn!

 

Ngay đến wagashi – đỉnh cao của ẩm thực Nhật Bản – cũng hàm chứa trong mình những nét đặc trưng của văn hóa kawaii. Đồ ngọt wagashi chủ yếu mang hình dạng của các loài thực vật, và kĩ thuật “chibi hóa” trong tạo hình bánh vẫn được áp dụng khi các cánh hoa thường được bo tròn và tạo hình mềm mại hơn, màu sắc cũng phối theo tông pastel vừa rực rỡ lại vừa mỏng mảnh, đáng yêu,…

 

Đến thời kì hiện đại, xu hướng tạo hình món ăn theo phong cách kawaii lại càng phát triển và thậm chí là lan rộng ra toàn thế giới thông qua nghệ thuật bento. Kì thực cơm hộp ở các nước Châu Á khác cũng tồn tại và cầu kì không kém Nhật Bản, nhưng chỉ ở riêng xứ Phù Tang, người ta mới tìm thấy sự xuất hiện dày đặc của những nhân vật hoạt hình hay truyện tranh như Doraemon, Pikachu, Totoro… trong chính hộp cơm hàng ngày của mọi người.

Để tạo ra những sản phẩm “y như thật” mà chúng ta thấy, người Nhật đã rất sáng tạo trong việc phối hợp các nguyên liệu và phụ gia khác nhau như ngoài cơm thì có thể sử dụng bánh mì sandwich để làm thân nhân vật, tất cả những nguyên liệu như hạt oliu, xúc xích, rau củ nhiều màu…đều được sáng tạo để làm nên các chi tiết đặc trưng trên nhân vật.

Dịch vụ ẩm thực theo xu hướng kawaii

Vượt ra khỏi khuôn khổ hình thức, văn hóa kawaii còn thể hiện sức ảnh hưởng sâu rộng của mình đến ẩm thực Nhật Bản. Đó là sự tồn tại của những chuỗi cửa hàng, dịch vụ ăn uống với phong cách đáng yêu.

Tràn ngập các con phố ở Nhật là những hàng quán với phông nền không thể dễ thương hơn, thường gắn liền với một chủ đề thống nhất nào đó như café Hello Kitty, hay dãy cửa hàng fastfood “ăn theo” hàng trăm nhân vật hư cấu nổi tiếng của Sanrio,…

 

Đúng như tên gọi, khi bước vào quán, bạn sẽ được phục vụ bởi những nhân viên ăn vận như các cô hầu gái với ngoại hình xinh xắn hệt búp bê phương Tây: Trang phục Lolita cầu kì với ren và đăng ten, mái tóc uốn xoăn hoặc buộc hai bên, đôi mắt to tròn và giọng nói tươi vui. Đó là chưa kể đến không gian quán cũng “kawaii” không kém khi gợi nhắc thực khách về những ngôi nhà búp bê tí hon có nội thất màu kem, giấy dán tường chấm bi, trái tim hoặc hoa nhí, cùng những chiếc khăn trải bàn cầu kì…

Trong lĩnh vực quảng cáo và kinh doanh ẩm thực, xu hướng tạo ra những chiến dịch quảng bá với các nhân vật theo nét vẽ chibi cũng khá được ưa chuộng tại Nhật. Thực tế cho thấy người Nhật rất dễ bị thu hút bởi các chương trình quảng cáo mang nhiều màu sắc, dễ thương hơn hẳn những ý tưởng hoành tráng hay sexy.

Đơn cử như quảng cáo cho bộ sản phẩm làm bánh flan tại nhà của hãng Takara Tomy mang tên Giga pudding được đông đảo công chúng quan tâm và yêu thích, với hình ảnh “bé” pudding mắt to tròn cùng bài hát chủ đề chỉ lặp lại câu “puddi puddi” rất dễ thương. Đoạn điệp khúc “puddi puddi” được giới trẻ Nhật Bản hâm mộ và bắt chước lại không kém kiyomi của Hàn Quốc đâu nhé!

 

Trong bối cảnh xã hội Nhật đương đại bị đè nặng bởi áp lực từ một cường quốc công nghiệp, sự phát triển của luồng văn hóa kawaii trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản là một kết quả tất yếu – khi người Nhật luôn có nhu cầu tìm kiếm một niềm vui nho nhỏ trong những món đồ ăn thức uống hàng ngày của mình.

Cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei học thêm 1 bài học giao tiếp nào: >>> Cách thể hiện mục tiêu trong tiếng Nhật Bạn biết gì chưa?? Khóa học HOT nhất năm của Kosei đã ra mắt: >>> Khóa học N3 Online

Để lại Đánh giá
Đánh giá*
Họ tên *
Email *
Bài viết mới
Chọn bài viết hiển thị